Làm Đẹp

Tất Tần Tật Về Mụn Bọc Và Các Loại Mụn Khác

Các loại mụn thường gặp bao gồm mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn ẩn, mụn nhọt, mụn cóc, mụn đầu đinh…. Tuy không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ và có thể phá hủy làn da của bạn. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết những loại mụn này và cách phân biệt chúng như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc này.

Mụn trứng cá – Loại mụn thường gặp phổ biến nhất

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là tên gọi chung nhất của các loại mụn xuất hiện trên mặt, chúng được hiểu là tình trạng da liễu liên quan đến tuyến bã nhờn dưới da. Mụn trứng cá xuất hiện khi nang lông bị bí tắc do chứa nhiều chất nhờn và tế bào chết dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.

Đối tượng dễ bị mắc mụn trứng cá nhất là tuổi dậy thì, những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Các vị trí thường gặp: 2 bên má, trán, cằm, mũi.

Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá:

  • Chăm sóc da không đúng cách, vệ sinh da không sạch sẽ gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Tuyến nhờn hoạt động mạnh tiết ra nhiều dầu, vi khuẩn P.acnes xâm nhập vào nang lông gây viêm.
  • Thay đổi nội tiết tố, hormone trong cơ thể.
  • Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
  • Thức khuya, căng thẳng kéo dài.

Dấu hiệu nhận biết, phân loại mụn trứng cá:

Mụn trứng cá được chia thành nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có những cách nhận biết nhất định:

  • Mụn ẩn: Ẩn dưới lớp da những nốt li ti khiến da sần sùi.
  • Mụn đầu đen: Nằm trong lỗ chân lông mở, chất nhờn bên trong bị oxy hóa chuyển sang màu đen.
  • Mụn đầu trắng: Nằm trong lỗ chân lông và không bị oxy hóa nên có màu trắng.
  • Mụn bọc, mủ: Thường sưng to, cứng, gây đau, bên trong chứa mủ trắng hoặc đỏ.
  • Mụn viêm: Nổi thành từng nốt mẩn đỏ, gây đau và thường không chứa nhân.
  • Mụn nang: Mức độ nặng nhất, các bọc mụn lớn, gây viêm sưng đau, chứa nhiều mủ bên trong.

Mụn đầu đen, đầu trắng

Mụn đầu đen, đầu trắng là gì?

Mụn đầu trắng và mụn đầu đen là 1 trong các loại mụn thường gặp nhất. Đây là thể nhẹ của mụn trứng cá, không gây đau, không viêm sưng nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ chuyển sang giai đoạn nặng hơn gây viêm.

Mụn đầu đen là tình trạng nhân mụn trên bề mặt da mở gặp phản ứng oxy nên chuyển sang màu đen. Còn mụn đầu trắng là nhân trứng cá đóng, lỗ chân lông bị bí hoàn toàn không bị oxy hóa nên có màu trắng.

Vị trí xuất hiện nhiều nhất là ở mũi và 2 bên cánh mũi, trên trán.

Nguyên nhân gây mụn đầu đen và đầu trắng:

  • Dùng hóa mỹ phẩm có hại cho da.
  • Do bề mặt da tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân chứa vi khuẩn như sờ tay lên mặt, môi trường ô nhiễm…

  • Nội tiết tố androgen phát triển mạnh kích thích sự tăng tiết chất nhờn. Chất nhờn kết hợp với bụi bẩn làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn.
  • Một vài trường hợp do di truyền (ít gặp).

Mụn ẩn

Mụn ẩn là gì? Làm thế nào để nhận biết?

Mụn ẩn cũng là 1 thể nhẹ của mụn trứng cá. Đây là loại mụn không viêm, không sưng, không gây đau nhưng lại có nhân nằm sâu trong nang lông nên rất khó điều trị triệt để và dễ tái phát nhiều lần.

Cách nhận biết mụn ẩn là những nốt mụn nhỏ li ti, mọc thành từng cụm và lan rộng trên bề mặt da khiến da sần sùi, thô ráp.

Vị trí xuất hiện mụn ẩn nhiều nhất là ở trên trán và dưới cằm.

Nguyên nhân gây mụn ẩn dưới da:

  • Vệ sinh da không đúng cách, sơ sài.
  • Lạm dụng mỹ phẩm.
  • Sinh hoạt không lành mạnh: Ăn nhiều đồ dầu mỡ, cay nóng, thức khuya thường xuyên, stress…
  • Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai.

Mụn bọc mủ – Loại mụn trên mặt thường gặp

Mụn bọc mủ là gì? Nguyên nhân do đâu?

Mụn bọc là thể nặng của mụn trứng cá, là loại mụn viêm, có kích thước lớn, thường có màu đỏ và sưng to, gây đau nhức rất khó chịu. Mụn bọc thường xuất hiện nhiều trên trán, 2 bên má và cằm.

Nguyên nhân gây mụn bọc:

Chủ yếu do vi khuẩn P.acnes xâm nhập vào lỗ chân lông. Khi lỗ chân lông bị bít tắc do bã nhờn sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh gây viêm nhiễm và sinh mụn.

Ngoài ra, thói quen ăn uống không hợp lý, thường xuyên sờ tay lên mặt cũng là những nguyên nhân gây ra mụn bọc.

  • Mụn bọc thường dễ để lại sẹo lõm, vết thâm nếu không được điều trị đúng cách.
  • Một số đối tượng dễ bị mụn bọc:
  • Lứa tuổi dậy thì từ 14-20 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai; trước trong và sau chu kỳ kinh nguyệt.
  • Những người thường xuyên căng thẳng stress.

Những loại mụn bọc mủ thường gặp:

  • Mụn bọc không nhân: Mụn chỉ sưng đỏ, to và sẽ xẹp đi, bên trong thường chứa mủ.
  • Mụn bọc sưng không đầu: Xuất hiện thành từng cục to trên da, cứng và đau, có nhân nằm sâu bên trong.
  • Mụn bọc đầu trắng: Thường không sưng, không viêm đỏ và chứa nhân, thường nổi thành từng mảng.
  • Mụn bọc máu: Các nốt to có mủ và kèm theo máu khi nặn, kích thước lớn và gây nguy hiểm.
  • Mụn bọc có mủ: Ban đầu chỉ là những nốt sần cứng đỏ, về sau sưng to và gây đau nhức, bên trong chứa nhiều mủ, máu và dễ để lại thâm, sẹo.

Mụn nang

Mụn nang là gì? Dấu hiệu nhận biết như thế nào?

Mụn nang là tình trạng nặng nề nhất của mụn trứng cá và có thể gây ra nhiều biến chứng. Chúng có hình dạng sưng to lên bề mặt da, viêm đỏ, gây đau nhức và rất khó chịu. Khi chúng vỡ ra sẽ gây nhiễm khuẩn các vùng xa xung quanh, gây nổi mụn nhiều hơn. Đặc biệt kể cả khi điều trị khỏi cũng rất dễ gây tổn thương da.

Ngoài vùng mặt, mụn nang còn có thể xuất hiện ở lưng, ngực.

Mụn nang được nhận biết qua 1 số biểu hiện sau:

  • Nổi thành từng cục to sưng đỏ, có thể chứa mủ hoặc không.
  • Ban đầu chỉ sưng tấy, sau chuyển thành dạng nang cứng, chứa nhiều dịch.
  • Bên trong chứa nhiều vi khuẩn, tế bào chết và dịch nhầy có mủ màu trắng.

Nguyên nhân gây mụn nang thường gặp nhất:

Nguyên nhân chính cũng là do sự tắc nghẽn lỗ chân lông, vi khuẩn, bụi bẩn và bã nhờn tích tụ lâu ngày gây viêm nhiễm nặng. Ngoài ra sự thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể cũng là tác nhân khiến mụn nang phát triển nặng hơn.

Một số nguyên nhân khác gây mụn nang:

  • Sử dụng mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng, chứa thành phần gây kích ứng da.
  • Nặn mụn khi tay/dụng cụ không được vệ sinh đúng cách.
  • Da bị nhiễm corticoid.
  • Hút thuốc lá, dùng nhiều chất kích thích, đồ ăn nhanh…
  • Tác dụng phụ của 1 số loại thuốc Tây y chứa steroid, lithium, thuốc chống động kinh…

Mụn đinh râu

Mụn đinh râu là gì? Nguyên nhân gây mụn đinh râu

Mụn đinh râu (hay còn gọi là mụn đầu đinh) là loại mụn cực kì nguy hiểm xảy ra ở ngay chân của những sợi râu, ban đầu chỉ nhỏ nhưng đầu đinh, sau đó bị bội nhiễm sẽ nặng hơn, lớn hơn và gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Loại mụn này thường xuất hiện nhiều ở quanh môi, miệng hoặc cằm bị nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân :

Là do nặn mụn trứng cá, nhất là những loại mụn trứng cá nặng ở vùng quanh miệng mà tay hoặc dụ cụ nặn mụn không được khử trùng.

Ngoài ra có thể mọc tự nhiên do bị xước rồi nhiễm 1 số khuẩn gây bệnh như tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn kỵ khí…

Nhận biết mụn đinh râu như thế nào?

Sau nặn mụn, bị xước thấy xuất hiện mủ ở mép, môi, nhiễm trùng.

Giai đoạn 1: Sốt cao 39-40 độ C, nốt mụn sưng, nóng, đỏ, đau nhức như đinh châm.

Giai đoạn 2: Cả vùng mặt sưng phù, các triệu chứng nhiễm trùng rõ rệt, người mệt mỏi, sốt rét, đau đầu, buồn nôn.

Giai đoạn 3: Nốt mụn cứng, chứa đầy mủ, người đau nhức và sốt cao, sau mủ có thể vỡ ra và thành sẹo.

Mụn đinh râu nếu không được chữa trị kịp thời, các triệu chứng nhiễm trùng ngày càng trầm trọng có thể lây lan đến các vùng xoang mặt gây viêm, tắc tĩnh mạch, thậm chí là méo miệng và gây tử vong.

Lời khuyên và cách chăm sóc các loại mụn thường gặp

Dù là bất kì loại mụn nào, dù lành tính hay nguy hiểm cũng sẽ đều ảnh hưởng đến sức khỏe làn da của bạn. Dưới đây là 1 số lưu ý dành cho da mụn:

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng các dưỡng chất thiết yếu trong thực đơn hàng ngày.
  • Uống nhiều nước để đảm bảo chức năng thải độc của gan, thận được đảm bảo.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, tẩy trang và vệ sinh da mặt đúng cách hàng ngày.
  • Không nặn mụn (đối với mụn trứng cá) vì dễ gây tổn thương sâu và khó điều trị,
  • Tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng tự nhiên, chống lại các tác nhân gây hại.
  • Thăm khám và điều trị ngay lập tức nếu mụn có dấu hiệu nặng, viêm nhiễm.

Trên đây là bài viết Tất tần tật về mụn trứng cá và các loại mụn khác của Nghiền Làm Đẹp. Hãy để lại đánh giá và bình luận của bạn để nói lên cảm nhận của bạn. Mọi đánh giá của bạn sẽ góp phần cho bài viết sau của nghienlamdep.vn chất lượng và có giá trị hơn. Cảm ơn các bạn!

Cùng tìm hiểu và xem thêm review các sản phẩm, các cách chăm sóc da và các mẹo hay trong cuộc sống cùng với nghienlamdep.vn qua nhóm facebook tại đây nhé. Chúc các bạn ngày càng xinh đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *